LÀM SAO TÌM THẤY NIỀM VUI TRONG CÔNG VIỆC?

Làm thế nào để mỗi ngày đi làm là một ngày vui? Để không còn nỗi sợ mỗi sáng thứ 2? Để không cảm thấy bức bối trong không gian của công việc…

Chủ đề lần này mình đã ấp ủ khá lâu: đó là câu chuyện đi làm và trả lời câu hỏi làm thế nào để trở thành 1 người đi làm trong cảm xúc xúc vui vẻ, hạnh phúc.

Vì sao mình thích nói về chủ đề đi làm tới vậy, có lẽ vì trong quá trình 15 năm vừa rồi, được thử sức với nhiều môi trường khác nhau, những người sếp cá tính khác nhau, những đồng nghiệp đa phong cách, và những khát vọng tiến thân, mình học được rất nhiều điều và luôn ước rằng, nếu được quay lại tuổi 20, cái thời mới bước chân vào nghề, mình có thể sở hữu tất cả những kinh nghiệm quý báu mà mình vừa kể ở trên.

Tất nhiên cái ao ước trở lại tuổi 20 chỉ là viển vông, nhưng có 1 điều thực tế hơn và mình có thể làm được ngay và luôn, đó là kể câu chuyện và bài học mình có cho những bạn trẻ hơn mình, đang trên hành trình khẳng định bản thân trong sự nghiệp.

Đi làm, 2 chữ bình thường nhưng là khát khao của hầu hết chúng ta khi ngồi ghế nhà trường, đúng không. Bước ra khỏi cổng trường, bắt đầu tự lập, làm công việc yêu thích, kiếm ra tiền, quen biết những người bạn mới ở công sở, theo thời gian thì được cất nhắc lên những vị trí mới và có 1 sự nghiệp thành công, tiền tài địa vị đầy đủ.

Có phải ai cũng từng tưởng tượng hành trình đi làm sẽ như vậy?

Mình còn nhớ ngày bước chân vào Sài Gòn lập nghiệp, mọi thứ trong tưởng tượng của mình cũng đều thuận lợi như thế. Mình nhớ hồi đó chưa ai nói với mình thế nào là sở trường, thế nào là đam mê, phải chọn 1 công việc ra sao và nên có mục tiêu tài chính hay mục tiêu sự nghiệp thế nào.

Vì không ai nói với mình điều gì cả, thầy cô trường lớp trước đó cũng ko dạy mình phải bươn chải thế nào khi rời ghế nhà trường, nên mình chỉ nghĩ cực kỳ đơn giản: ra trường và đi làm. Đến lúc tự lập rồi. Vậy thôi.

Thực ra điều mình có lúc đó là tuổi trẻ, là sự dấn thân, là khát khao trải nghiệm. Nhưng phải đến 10 năm sau mình mới nhận ra những điều mình có lúc đó.

Còn hồi đó, mình suy nghĩ đơn giản hơn, có phần tự ti vì là dân tỉnh lẻ, vì ngoại ngữ kém, vì ngoại hình không xuất chúng. Có 1 công việc là tốt rồi. Có lương là tốt rồi. Hồi đó mình nghĩ vậy.

Và trong những năm đi làm đầu đời đó, với tư duy đơn giản, mình không suy nghĩ quá nhiều về bức tranh sự nghiệp. Mọi thứ cứ thế diễn ra và mình trở thành 1 nhân viên mẫn cán cùng với đồng lương tạm gọi là đủ sống ở Sài Gòn nếu thuê trọ, vậy thôi.

7 năm sau cái ngày mình có một công việc cơ bản, một lần nọ, mình trốn đi shopping trong giờ làm việc. Sếp gọi và mình nói dối đang đi công việc gần công ty. Một lần khác, lẽ ra phải gọi 1 cuộc điện thoại để chốt lịch hẹn với đối tác nhưng mình cứ lần lữa mãi, cái cảm giác bạn nhấc điện thoại lên, bấm số nhưng cứ cầu mong cho đầu dây bên kia không bắt máy ấy. Và lần thứ 3 là khi đang chạy xe trên đường, bỗng nhiên mình rơi nước mắt về chính 1 status mà mình viết và đăng trên trang cá nhân, đại ý cảm thấy chán cuộc sống và công việc hiện tại. Mình nhớ mang máng là mình viết rằng đi làm mà ko thấy vui.

Cũng giống như khi bạn bị đau 1 bộ phận nào đó trên cơ thể, đó có thể là tín hiệu vũ trụ nhắc bạn nên chăm lo cho sức khỏe nhiều hơn. Thì với mình, những cảm xúc không vui khi đó như nhắc mình rằng đã đến lúc phải thay đổi.

Sau đó thì mình nghỉ việc và chuyển sang trải nghiệm ở những công ty mới, lĩnh vực mới, vị trí mới và hiện tại thì như bạn thấy, mình lại rời bỏ tất cả những điều mới đó / để tiếp tục với 1 hành trình mới mẻ khác: làm việc tự do. Chắc chắn mình sẽ có 1 podcast về cách để bạn sống tốt với nghề tự do, nhưng hôm nay thì thời lượng chỉ đủ để mình chia sẻ về những điều Giá như của thời mình mới đi làm mà thôi.

Cái giá như đầu tiên là giá như mình nhìn thấy được cơ hội trong mọi công việc mình chọn làm lúc đó. Nghĩ lại thì cái tiếc lớn nhất là trong đầu mình đã không có mục tiêu, nên cũng ko nhìn thấy cơ hội ở xung quanh. Mọi thứ đến là vì nó tự đến. Vậy nên nếu bạn bắt đầu đi làm và nghe được câu chuyện này, nhất định hãy có 1 bản kế hoạch về sự nghiệp, càng rõ ràng và chi tiết càng tốt. Những vị trí bạn muốn trải nghiệm, kỹ năng bạn nhất định phải có, người mà bạn chắc chắn sẽ gặp trong quá trình đi làm, người mà bạn sẽ nỗ lực để thành công như họ, số tiền bạn muốn khi đi làm thậm chí dùng số tiền đó vào việc gì, đầu tư 1 quán cafe hay đi du lịch châu u chẳng han..

Cái giá như thứ 2 là ngày ấy mình luôn hài lòng về tấm bằng giỏi ở trường ĐH – thú thật là tới giờ mình không còn nhớ gì về tấm bằng đó nữa. Sự thật là khi đi làm bạn sẽ hiểu ra những thứ bạn học được ở trường chỉ xài rất ít thậm chí bỏ xó, cái quan trọng là kiến thức và kỹ năng để bạn đáp ứng công việc cụ thể với biết bao nhiêu tình huống phát sinh. Hồi đó mình không hiểu được rằng tốt nghiệp trường ĐH chỉ mới là tấm vé check in để bước vào trường đời – còn vào đời rồi thì bạn phải học lại từ đầu và học rất nhiều những điều khác. Nếu mình được trở lại, mình sẽ dành 7 năm đầu, cái quãng thời gian chỉ biết ngày đi làm, tối đi chơi đó để học thêm kỹ năng, ngoại ngữ, phát triển kiến thức, tìm tòi nhiều hơn để nâng cao nhận thức – và nhận thức chính xác là thứ thay đổi đc cuộc đời bạn đó, điều này thì ở độ tuổi U40 mình có thể khẳng định 1 cách chắc chắn như vậy.

Cái giá như thứ 3 là ngày xưa mình thường e ngại những người giỏi. Một ông sếp giỏi, 1 đồng nghiệp giỏi chỉ khiến mình cảm thấy tự ti, áp lực thay vì tới gần họ, trò chuyện và học hỏi từ họ để nâng cấp bản thân lên. Mình đúng kiểu nhân viên làm hết giờ hết việc rồi về, chơi với các đồng nghiệp cũng chủ yếu là ngồi tám chuyện, nói xấu công ty, nói xấu sếp là chính, điều mà hiện giờ mình cũng thấy nhan nhản xung quanh như 1 cách để ng ta giải tỏa căng thẳng khi đi làm. Thực ra, có hàng ngàn cách để bạn giải tỏa tâm trạng stress, ví dụ như tập trung vào công việc và thành quả, tham gia những hoạt động tích cực vừa vui vừa nâng cấp kỹ năng. Còn ngồi nói xấu sếp, nói xấu đồng nghiệp khác thì kết thúc câu chuyện chỉ là sướng cái miệng. Chấm hết. Bạn sẽ không có lợi ích gì thêm từ việc đó.

Cái giá như thứ 4 là hồi đó mình chưa được học về tâm lý: thoát khỏi căng thẳng buồn chán như thế nào? ức chế vì sếp thì làm sao giải tỏa, duy trì năng lượng tích cực ra sao, ứng xử trong 1 mối quan hệ độc hại ở công sở thế nào? Trong hàng ngàn thứ bạn phải trang bị suốt hành trình đi làm, hãy có 1 hạng mục là bổ sung kiến thức tâm lý. Ở trường phổ thông và ĐH mình nhớ không dạy môn tâm lý hoặc nếu có thì cũng là lý thuyết, hầu như ko có gì để mình áp dụng và sinh tồn khi bước vào đời và kết nối với đủ những con người khác nhau với phong cách và quan điểm khác nhau. Chính vì vậy, mình dễ bị người khác tác động đến cảm xúc, dễ thất vọng và tự ti về bản thân, dễ căng thẳng khi mọi chuyện không thuận lợi…

Và chữ giá như thứ 5, đó là bí quyết làm sao để luôn vui vẻ và hạnh phúc khi đi làm. Nếu bạn phải làm điều bạn không thích, bạn sẽ cảm giác như bạn bị ép buộc phải làm điều đó để nhận lương. Còn nếu bạn làm đúng thứ bạn đam mê, bạn sẽ thấy đó là một cuộc chơi, bạn vừa vui vẻ cống hiến với điều bạn mê, vừa có được thu nhập từ cuộc chơi đó. Quá tuyệt vời nhưng không đơn giản chút nào với những bạn trẻ mới bắt đầu đi làm. Tìm được 1 công việc đã khó, và sẽ không ai nói với bạn là bạn cần tìm hiểu bản thân thật kỹ, biết mình thuộc nhóm tính cách nào, sở trường là gì, nên chọn những vị trí công việc nào để phát triển bản thân phù hợp và nhanh chóng, đâu là những môi trường tốt mà bạn nhất định phải trải nghiệm…

Thực sự là khi được là công việc đúng sở trường và đam mê, bạn có thể làm đêm làm ngày mà vẫn không stress. Bạn cũng không vì 1 lời nói khó nghe của đồng nghiệp hay sếp mà muốn rời bỏ công việc. Và nếu được dịp quan sát 1 người giỏi làm đúng việc, bạn sẽ thấy thần thái, khí chất của họ tỏa ra khi họ làm công việc đó. Đam mê chính là bí quyết để trở thành 1 người đi làm hạnh phúc, dù bạn làm công hay làm chủ.

Chuyện đi làm vốn rất dài, công sở ở đâu cũng vậy, công ty lớn hay nhỏ đều có thị phi, có người này cũng có người kia, trải nghiệm vui có và tất nhiên trải nghiệm ê chề cũng có… Nhưng trải qua rất nhiều bài học quý giá khi đi làm, mình luôn nhắc mình 3 điều: thứ nhất – làm thứ mà mình giỏi. Trong vô vàn lựa chọn, hãy chọn thứ mà mình giỏi nhất, nắm chắc nhất, đó là cách để bạn sống bền với công việc. Thứ 2, luôn có mục tiêu và nhìn mục tiêu để hướng đến, từ đó phát triển bản thân mỗi lúc 1 cao hơn về kỹ năng và trình độ, trở thành 1 người khó có thể thay thế trong lĩnh vực hay môi trường của bạn thì cơ hội gia tăng thu nhập luôn cao hơn những người khác – thu nhập cao và cao hơn là đích đến của đa số chúng ta khi đi làm đúng ko. Thứ 3, chọn cách suy nghĩ tích cực, ở công sở, ai cũng có thể giúp bạn học được 1 điều gì đó và chẳng có ai hoàn toàn xấu cũng chẳng có ai hoàn toàn tốt, công việc khiến chúng ta áp lực và đôi lúc không thể cứ suốt ngày vui vẻ. Vì vậy chỉ có cách cân bằng tâm lý, nhìn mọi điều 1 cách tích cực và trở thành 1 người tích cực, vậy thôi.

Chang sẽ hẹn tâm sự nhiều hơn khi có dịp, về những câu chuyện đi làm, làm công, làm chủ, làm tự do… Cám ơn bạn đã ghé qua trang viết nhỏ này.

Scroll to Top