BÍ MẬT HẠNH PHÚC: SỐNG CUỘC ĐỜI BÌNH THƯỜNG

Sáng nay mình dậy trễ hơn mọi ngày, vừa làm việc vừa nghĩ hôm nay đã là thứ 5, ngày cố định mà mình sẽ dành để soạn kịch bản cho Podcast. Cứ thứ 5 mình viết bài và thu âm, thứ 6 dựng video thì thứ 7 mình sẽ có thể đăng Podcast đúng hẹn. Vậy nên tranh thủ hoàn thành công việc ưu tiên sớm, rồi ăn cơm trưa và bắt đầu rót 1 ly nước lọc đầy, mở list nhạc tiếng Trung đang hot, chọn 1 font chữ to, rõ, đẹp và bắt đầu viết những dòng này. Nhạc êm tai phát ra từ chiếc loa mới màu đỏ mình đặt mua trên sốp pi mà người ta vừa giao sáng nay.

Không biết tự bao giờ mình thấy yêu cảm giác được ngồi viết lan man trong khi âm nhạc nhẹ nhàng vang lên, ngoài cửa sổ là những tòa nhà, là mây trắng trôi lững lờ. Thực ra cuộc sống vẫn vậy đó, bên ngoài cửa sổ vẫn là bầu trời xanh như vậy đó, chỉ khác là mình có quãng thời gian nào cho mắt được nghỉ ngơi để ngắm nhìn và cảm nhận những điều nhỏ xung quanh hay không mà thôi.

Khi lớn lên và hiểu về cuộc sống 1 chút, điều mình thấy biết ơn chính là bằng 1 cách nào đó, mình rất giỏi những gì liên quan đến cảm nhận và viết lách. Ngày nhỏ mình cứ nghĩ lớn lên sẽ trở thành một nhà văn nổi tiếng, lạ 1 cái là trẻ con hay gắn ước mơ với chữ nổi tiếng lắm: ca sĩ nổi tiếng, bác sĩ nổi tiếng, nhà khoa học nổi tiếng, diễn giả nổi tiếng, hay 1 ước mơ đẹp hoặc hoành tráng như làm tiếp viên hàng không, làm nhà du hành vũ trụ… Lớn lên mới nhận ra, chỉ có trẻ con mới dám mơ lớn. Người lớn cũng mơ nhưng giấc mơ của người lớn nhỏ hơn, hẹp hơn, thực tế hơn.

Sáng nay mình đọc được 1 đoạn hay hay trong cuốn Cảm nhận thế nào đời trao thế đó. Rằng: Lý do trẻ con có thể học rất nhanh từ toán đến ngoại ngữ là vì trong đầu trẻ con không hề có ý thức “cái này khó quá”. Chính vì vậy, trẻ con không gặp những rào cản trong suy nghĩ. Thường khi gặp những đoạn trích hay trong sách, mình hay lấy bút màu tô lên làm dấu, thỉnh thoảng sẽ cần tìm lại.

Khi bạn có con, có lẽ bạn cũng sẽ thường như mình, hay so sánh người lớn với trẻ con. Và điều mình nhận ra sau những so sánh luôn là cảm giác gật gù công nhận: Không quan trọng bạn 9 tuổi, 18 tuổi hay 36 tuổi. Quan trọng là nhận thức của bạn đến đâu. Nhận thức thay đổi chúng ta mỗi ngày. Điều ta nhìn thấy, điều ta học được, điều ta suy luận, điều ta thấy đúng… đều sẽ thay đổi cuộc đời của ta những ngày kế tiếp.

Đến năm 30 mình lần đầu biết được 2 khái niệm phát triển bản thân và cân bằng tâm lý, 2 điều mà mình luôn ước giá như mình biết sớm hơn. Trước đó, trong những mối quan hệ mình gặp, chưa ai từng chỉ cho mình rằng hãy lập 1 bảng kế hoạch để thay đổi bản thân mỗi ngày, học thêm kiến thức, kỹ năng, lập ra mục tiêu về sự nghiệp và tài chính. Chưa ai nói với mình làm cách nào để sống tử tế giữa một biển người lẫn lộn xấu tốt. Chưa ai chỉ cho mình rằng tâm lý là những kiến thức tuyệt vời mà nếu được trang bị sớm, cuộc đời của bạn chắc chắn sẽ khác.

Và mình đã trưởng thành với tất cả nhận thức nhỏ bé của mình, trong những mối quan hệ nhỏ bé, những vòng lặp của công việc cho đến khi mình vấp ngã, mình bức bối muốn thoát khỏi cuộc sống lặp lại, mình khát khao những điều mới hơn.

Cuộc sống không có chữ giá như đâu. Nên vào năm 30, khi nhận thức của mình thay đổi, thì có lẽ vì đó là lúc mọi thứ đã chín muồi hoặc chính mình đã sẵn sàng. Mình từng ước sẽ có được tư duy của tuổi 36 trong cơ thể trẻ trung và đầy năng lượng của tuổi 20. Nhưng câu trả lời của cuộc đời, tất nhiên là Không Thể.

Nghĩ 1 cách tích cực thì nhận thức là 1 hành trình. Phải trải qua đủ va vấp, thì khi đón nhận kiến thức mới – tư duy mới, bạn mới trân trọng và áp dụng. Nếu tuổi 20 mình gặp được 1 người dẫn đường, chắc gì mình đã đi theo. Cứ phải vấp ngã, cứ phải chênh vênh, đổ vỡ mới biết trân trọng những điều mới và biết mình cần học thêm rất nhiều để trưởng thành hơn.

Và nghĩ 1 cách tích cực là tốc độ phát triển của mỗi người hoàn toàn khác nhau, tùy thuộc vào nhận thức, hoàn cảnh, điều kiện sống, gia đình, quê hương… của người đó. Nên điều mình chọn làm lúc này là biết ơn mỗi ngày mới lại là một cơ hội mới để mình mới hơn, chính chắn hơn và sống tốt hơn.

Hôm nay mình thực sự muốn nói điều gì đó về cuộc sống bình thường của một người bình thường. Về chuyện có sao không khi bạn không nổi tiếng, bạn không được tung hô, không được đám đông quan tâm, chú ý. Về việc sống 1 cuộc đời bình thường dễ hay khó. Và bạn có thực sự nên chọn 1 cuộc đời bình thường.

Hồi đó mình có nghe câu chuyện về một ca sĩ nữ ở Việt Nam, lớn hơn mình vài tuổi, chị sở hữu 1 giọng hát ở mức khá, nghĩa là không quá nổi trội, nghe cũng được mà không nghe cũng không sao, với ngoại hình hơi nhỏ con, khuôn mặt quả thật không mang nhiều ấn tượng. Nhưng với ước mơ trở thành 1 ca sĩ nổi tiếng, chị đã không hề ngần ngại một điều gì trên hành trình chinh phục ước mơ, có những thời điểm phải đánh đổi rất nhiều, có những khoảnh khắc tưởng gục ngã và bỏ cuộc, cho đến ngày có được chút thanh danh. Câu chuyện này khiến mình suy nghĩ khá nhiều. Từng có 1 khoảnh khắc nào đó ở tuổi đôi mươi mình cũng có khát khao nổi tiếng, được nhiều người biết đến, thành công rực rỡ, được ghi nhận trong lĩnh vực của mình. Nhưng rồi đâu đó một suy nghĩ lấn át đi: mình chỉ là một cô gái tỉnh lẻ thôi mà, xuất phát điểm mình thấp, ngoại hình cũng không ổn, không tự tin, không có gì thực sự xuất sắc. Rồi một suy nghĩ an phận phủ lấp mình lúc đó: Mình cũng đã cố gắng rồi, cứ vậy đi.

Vậy thì, luôn có 2 kiểu người. Họ cùng nhìn thấy mục tiêu, nhưng 1 kiểu người sẽ tìm mọi cách để tiến đến mục tiêu. Và người kia thì bằng lòng với suy nghĩ “mình không làm được đâu”.

Và đó chính là lý do của những cuộc đời bình thường và không bình thường.

Nhưng mình không làm podcast này để đánh giá cao những người tìm cách chạm tới những mục tiêu lớn lao và chê bai những người chọn sống đời bình thường, với những mục tiêu vừa tầm.

Suy cho cùng thì bình thường hay không bình thường, nó chỉ là 1 sự lựa chọn mà thôi. Chẳng có thước đo nào chính xác để nói ai đó phải trở thành 1 người như thế này hay như thế kia trong cuộc đời này.

Không phải sự nổi tiếng, không phải tiền bạc hay bất động sản, không phải sự thành công trong sự nghiệp là Đích đến của Tất cả mọi người trong chúng ta. Nếu bạn chọn 1 cuộc sống vui vẻ, ít áp lực, cảm nhận cuộc đời bình thản, chậm rãi, thì có thể bạn chính là giấc mơ của một ai đó đang chạy chỉ tiêu doanh số, đang gồng gánh áp lực trên vai, đang sống vội vàng, bon chen, mệt mỏi.

Khi mình lớn lên thì mình hiểu được câu “cái gì cũng có giá của nó”. Giá của 1 bộ đồ. Giá của sự xinh đẹp. Giá của sức khỏe. Giá của 1 giờ làm việc. Giá của 1 cuộc hôn nhân. Giá của một sự lựa chọn.

Vậy vấn đề là bạn chọn gì và bạn có đồng ý trả giá cho điều bạn chọn hay không mà thôi.

Mình có theo dõi 1 bạn trẻ, còn rất trẻ nhưng đã có cơ ngơi riêng và cực kỳ thành công, nếu thành công được tính bằng số lượng người yêu thích, theo dõi và số tiền kiếm được. Nhưng bạn trẻ đó đã chia sẻ rằng có 3 thứ bạn ấy phải trả giá cho lựa chọn thành công trong sự nghiệp, đó là chứng mất ngủ triền miên, không tình yêu và không bè bạn.

Quay lại với mình… Mình thì sao….

Mình đang có 1 cuộc sống bình thường. Một người có thu nhập mức trung bình khá, 1 công việc thú vị và tự do, một gia đình cơ bản, những người bạn, những người thân, 24 giờ mỗi ngày, 1 chút tiền trong tài khoản tiết kiệm, 1 gói bảo hiểm cho gia đình, 1 kế hoạch về chuyến đi cuối năm, 1 dự án mới trong sự nghiệp… Một người em nói với mình, đôi lúc em ước được như chị, tự do hoàn toàn. còn mình thì nói với em, chị ước có được tuổi trẻ của em để chị có thể thực hiện tất cả những dự định tuổi trẻ.

Bạn nhớ điều này nè, bạn là ước mơ của một ai đó. Luôn là như vậy. Và một cuộc đời bình thường cũng là đủ, nếu đó chính là điều bạn chọn.

Đâu nhất thiết phải giống một ai đó. Trưởng thành là khi bạn được quyền lựa chọn và chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình.

Hãy vui với điều bạn có và đi con đường bạn muốn. Không so sánh, không ghen tị, không tự tin mặc cảm về bản thân.

Mình luôn tin cuộc gặp gỡ với bạn qua bài viết này là một mối duyên. Chúc bạn ngày mới tốt lành.

Sài Gòn, 1 ngày đẹp trời
tháng 10.2021

Scroll to Top